Khu Du Lịch Di Tích Đền Sóc Tự Hào Là Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt, Điểm Du Lịch Quốc Gia Đặc Biệt Của Thành Phố Hà Nội, Lễ Hội Gióng - Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Đại Diện Của Nhân Loại !

HỘI GIÓNG ĐỀN SÓC – VẾT TÍCH MỘT HUYỀN THOẠI

DSC 1906

Từ trung tâm Thủ đô đi ngược lên phía Bắc khoảng 40km về vùng trung du Sóc Sơn. Nơi đây phong cảnh hữu tình, những vùng quê yên bình hiển hiện, đằng sau vẻ hiền hòa đó ẩn chứa tinh thần bất khuất của miền đất cổ có truyền thống đánh giặc giữ nước từ ngàn xưa, những câu hát của người dân nơi đây mãi vang vọng niềm tự hào:

“ Nơi những đỉnh núi có từ bao giờ,

Trang cổ tích sáng ngời câu huyền thoại.

Nơi làng cháy vó ngựa còn in mãi,

Tre đằng ngà óng như lụa tằm tơ.”

                               (Trích: Sóc Sơn tình đất tình người)

Không chỉ là vùng đất anh hùng, Sóc Sơn còn là một trong những huyện lỵ ẩn chứa rất nhiều những vết tích một huyền thoại đẹp – huyền thoại Thánh Gióng.

Có lẽ, đã là người Việt ai cũng một lần được ông bà, cha mẹ, thầy cô...kể về truyền thuyết Thánh Gióng, vị thánh đứng thứ hai trong hàng “Tứ bất tử” của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đổng Tử - Tiên Dung, Mẫu Liễu Hạnh).

Truyện kể rằng: Vào thời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang đang thái bình, cõi Sóc Sơn đang phẳng lặng thì binh mã quân Ân ầm ầm kéo sang:

“Khôn thay ách vận tại trời

Nước Văn Lang bỗng bời bời đao binh.

Ân vương sai tướng phá thành,

Binh rồng muôn đội, tướng tinh muôn nghìn.

Đạp bằng đất Việt sơn xuyên,

Cỏ chẳng mọc nổi đường lên tuyệt người,

Biết bao binh mã ràn ràn

Gươm đàn khuyết núi bước chân lỡ đường”.

Lúc vua Hùng và bề tôi đang bế tắc trước sức mạnh khủng khiếp của giặc thì ở làng Phù Đổng 3 năm trước đã có một cậu bé được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Cậu bé đó tên Gióng. Theo truyền thuyết, mẹ Gióng là một bà góa phụ, sau một đêm mưa giông sấm chớp, bà ướm chân mình vào vết chân khổng lồ trong vườn cà để rồi:

“Tự nhiên phảng phất trong mình thụ thai

Mãn kỳ sinh Thánh ra đời,

Hào quang rực sáng, hương trời nức xông.

Chẳng chơi, chẳng khóc thong dong.

Nâng niu ôm ấp trong lòng nhơn nhơn.

Nhà đơn hàn lấy ai nâng giấc,

Một mình mẹ dưỡng dục ba xuân.

Nhớn chẳng thấy nhớn một phân,

Chẳng cười chẳng khóc, chẳng ra ăn nằm.”

Vậy mà khi nghe tin nhà vua tuyển người tài đánh giặc, cậu bé đó đã ăn hết “ bảy nong cơm, ba nong cà, uống cạn đà khúc sông” rồi vươn mình lớn nhanh như thổi.

Nhận được ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt nhà vua ban cho, cậu đã:

“Rẽ mây phất ngọn cờ đào,

Ra tay sấm sét nửa chiều giặc tan.

Áo bào để lại linh san,

Để rồi thoát nợ trần hoàn về tiên.”

                                   (trích: Phù Đổng Thiên Vương sự tích diễn âm)

Cuộc đời ngắn ngủi đầy huyền diệu của ông đã để lại cho muôn đời sau một trang huyền thoại đẹp và Phù Đổng Thiên Vương đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

Khi nói tới Phù Đổng Thiên Vương, ta luôn nghĩ tới hai địa danh là làng Phù Đổng – Gia Lâm – Hà Nội nơi ông được sinh ra và núi Sóc – Sóc Sơn – Hà Nội, nơi ông bay về trời sau khi hoàn thành kỳ tích giữ nước. Hiện nay, ở cả hai nơi nhân dân đều lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn người anh hùng làng Gióng. Cũng tại hai địa danh này, một “ lễ hội thần thánh” đã trở thành di sản vô giá của dân tộc và được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể có giá trị nhân loại vào tháng 11/2010, trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô mà còn là của nhân dân cả nước.

Trong giới hạn bài viết của mình, tôi chỉ đề cập tới lễ hội Gióng ở đền Sóc Sơn, qua quá trình điều tra thực địa, nghiên cứu tài liệu cùng với sự hiểu biết ít ỏi của mình, tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm một vài thông tin hữu ích góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội đền Gióng ở Sóc Sơn nói riêng và lễ hội Gióng trên toàn quốc nói chung.

Trở lại với vùng đất Sóc Sơn, đây là nơi ẩn chứa nhiều vết tích linh dị với truyền thuyết ông Gióng cưỡi ngựa bay về trời. Thông tin viết trên lăng bia 8 mặt tại đền Sóc cho chúng ta biết xưa kia, ở Sóc Sơn có 21 tổng gồm 172 xã thôn phụng thờ Thánh Gióng. Hiện nay, ngoài đền Sóc còn có đền Thanh Nhàn, đền Mã, đền Sọ (đền Phù Lỗ) đều phụng thờ đức Phù Đổng Thiên Vương và rất nhiều thôn làng mang vết tích, truyện kể có liên quan đến hành trình cuối cùng của người anh hùng trước khi lên đỉnh núi Sóc bay về trời. Và mỗi khi đặt chân tới đây, người ta không khỏi tự hào, không khỏi nuối tiếc khi ngắm nhìn cảnh vật, núi non, di sản để cùng sống lại trong truyền thuyết Thánh Gióng vẫn còn đó mới như ngày hôm qua, sợi dây văn hóa vô hình kết nối các thế hệ người Việt với nhau.

Đền Sóc là khu di tích nằm dưới chân núi Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Đây là nơi nổi tiếng linh thiêng thờ Thánh Gióng, mẹ Thánh Gióng, phối thờ Phật và thần linh núi Sóc. Quần thể di tích đền Sóc được xây dựng từ thời Tiền Lê (980), Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Theo tư liệu để lại, khu di tích đã trải qua 13 lần trùng tu, trải qua những thăng trầm lịch sử đến nay về mặt kiến trúc mang đậm phong cách thời Nguyễn và Nguyễn muộn.

Quần thể di tích đền Sóc gồm 7 điểm thờ:

1. Đền Trình: thờ thần linh núi Sóc;

2. Đền Mẫu: thờ mẹ thân sinh ra ông Gióng;

3. Chùa Đại Bi: thờ phật;

4. Đền Thượng: thờ Phù Đổng Thiên Vương;

5. Lăng bia 8 mặt: tấm bia đá lớn ghi lại sự tích TG và lịch sử ra đời đền Sóc.

6. Chùa Non: thờ phật;

7. Tượng đài tưởng niệm TG trên đỉnh núi Đá Chồng.

Đây là một quần thể di tích lớn, xung quanh được bao bọc bởi một bên là núi, một bên là hồ nước tạo nên cảnh quan rất hài hòa, vừa hùng vĩ mang thần khí linh thiêng vừa toát lên vẻ sơn thủy hữu tình. Chính vì thế , người xưa đã hết lời ca ngợi vùng địa linh này “ Núi Sóc chập trùng, sông nguyệt cuộn sóng, chính khí hưng vượng có ở khắp mọi nơi, khí tốt vẫn ngút ngàn bay như xưa giúp vua đánh giặc vậy” ( lăng bia 8 mặt) còn nữ sĩ Ngô Chi Lan đã để lại những vần thơ:

“ Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn

Muôn tía ngàn hồng đẹp thế gian

Ngựa sắt bay rồi danh sử rạng

Anh hùng còn mãi với giang san”.

Từ lâu, nơi đây đã trở thành một danh thắng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

Hàng năm, từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng Giêng tại khu di tích này, một lễ hội lớn được tổ chức với sự góp mặt của hàng chục đội rước đến từ các thôn, xã trong huyện, thu hút hàng ngàn lượt khách tới hành lễ, thăm quan. Lễ hội đền Sóc là một hồi ức đẹp, một hồi ức văn hóa được trao truyền và tái hiện từ thế hệ này qua thế hệ khác để tưởng nhớ người anh hùng huyền thoại xa xăm. Và hồi ức ấy mỗi khi được tái hiện đều mang theo những thông điệp từ quá khứ gửi lại cho tương lai và gửi theo cả những mong ước phồn thực về một cuộc sống hài hòa, ấm no và phát triển.

* Công tác chuẩn bị lễ hội

Hiện nay, Trung tâm quản lý khu du lịch – di tích đền Sóc Sơn (TTQL khu DL – DT đền Sóc Sơn) là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp việc bảo vệ và khai thác , phát huy giá trị của khu di tích và lễ hội đền Sóc.

Hàng năm, Trung tâm phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ cho nhân dân các thôn làng tổ chức lễ hội theo đúng kịch bản được khôi phục (từ năm 1992) đảm bảo tính truyền thống, trang trọng và lành mạnh.

Công việc chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành từ đầu tháng 12 (Âm lịch) diễn ra chủ yếu ở khu di tích và các thôn làng tham gia hội rước.

TTQL khu DL – DT đền Sóc Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội đền Sóc gửi tới UBND huyện Sóc Sơn, những ban ngành liên quan và các thôn làng. Trong kế hoạch có dự trù kinh phí, nhân lực tổ chức lễ hội, các dụng cụ, khí cụ cần thiết cho lễ hội, kế hoạch hỗ trợ cho các làng tham gia rước. Một cuộc họp được tổ chức tại khu di tích để thành lập Ban tổ chức (BTC) lễ hội.

BTC có nhiệm vụ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ đến từng bộ phận; Giải quyết các vấn đề đảm bảo lễ hội diễn ra suôn sẻ, đông vui và lành mạnh.

Không khí chuẩn bị cho lễ hội có thể cảm nhận được rõ nét khi đến với đền Sóc những ngày cuối năm. Công tác vệ sinh được tiến hành ở mọi ngõ nghách từ khu nội tự ra tới ngoài dốc Yên Ngựa như: lau rửa đồ thờ, bao sái tượng, vệ sinh trên kiến trúc, cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh môi trường; treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng, quảng bá; các dụng cụ loa đài, điện nước, dụng cụ phòng chống cháy nổ luôn sẵn sàng phục vụ cho dịp lễ hội lớn nhất trong năm; Các tổ, bộ phận của Trung tâm được phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng con người để đảm bảo về mặt nhân sự cho việc phục vụ du khách trong dịp hội.

Lễ hội là dịp tập trung rất nhiều khách thập phương, vì thế các dịch vụ ăn theo cũng vô cùng phát triển. Khu dịch vụ được chuẩn bị, phân chia rõ ràng, bà con địa phương đến làm dịch vụ được tuyên truyền và ký cam kết bán các mặt hàng phù hợp, không độn giá bắt chẹt khách, không gây mất trật tự, mất vệ sinh nơi công cộng.

Bên cạnh sự chuẩn bị của Trung tâm đền Sóc thì không khí chuẩn bị hội ở các thôn làng rước lễ cũng không kém phần sôi nổi. Người ta chuẩn bị lễ vật một cách cẩn thận, vui vẻ và thành kính nhất, ai cũng mong vật phẩm của mình sẽ đẹp nhất, nổi bật nhất và làm hài lòng Thánh nhất. Hiện nay, lễ hội đền Sóc có 8 thôn làng tham gia rước lễ, mỗi thôn một lễ phẩm riêng:

- Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) rước giò hoa tre.

- Thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa.

- Thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) rước voi.

- Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau.

- Thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) rước ngà voi.

- Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) rước cỏ voi.

- Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) rước tướng.

- Thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) rước cầu húc.

Công việc chuẩn bị lễ phẩm hầu hết được các thôn tiến hành từ giữa tháng Chạp. Mỗi thôn là một đoàn rước độc lập nên ngoài việc chuẩn bị lễ vật, thôn đó còn phải chuẩn bị cả tàn quạt, cờ lọng, khí cụ rước, mỗi đoàn có ít nhất 40 – 50 người trực tiếp tham gia vào đội hình rước. Hiện nay, quần áo người rước lễ của các thôn làng đều được BTC lễ hội hỗ trợ. Ngoài ra, họ còn nhận được một khoản tiền khác cho việc chuẩn bị lễ.

Trong 8 thôn làng tham gia rước thì có những thôn phải chuẩn bị lễ rước rất công phu như: làm giò hoa tre (thôn Vệ Linh), đan voi (thôn Dược Thượng), đan ngựa (thôn Phù Mã) bên cạnh đó cũng có thôn làng lễ vật chuẩn bị đơn giản hơn như: lễ cỏ voi (thôn Yên Sào), lễ trầu cau (thôn Đan Tảo). Tùy theo lễ vật mà các làng phải tính thời gian chuẩn bị sao cho kịp đến ngày tiến lễ mồng 6 tháng Giêng.

Cây giò hoa tre của thôn Vệ Linh được chuẩn bị chu đáo từ trước đó cả tháng. Để chuẩn bị làm hoa tre, người dân Vệ Linh ngay từ mồng 3, mồng 4 tháng Chạp đã phải chọn tre, chặt tre đem về đình làng. Cây tre được chọn phải là cây cao, thẳng, không bị cụt ngọn, xanh tốt, đốt tre phải dài, không bị sâu. Sáng mồng 5, các cụ cao niên ở Vệ Linh làm lễ tế ở đình làng và bắt đầu vót “ hoa tre”. Trước tiên, người ta chặt, pha tre ra thành từng đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 50 -60cm, sau đó chẻ ra thành từng thanh, phía sẽ làm thành tua để rộng hơn, còn phía tay cầm có bề rộng khoảng 1,5cm. Sau đó, họ dùng dao sắc, mỏng vót thành các sợi tua. Khi vót phải vót giò xuôi, tức là phía ngọn tre phải ở trên, nếu làm ngược lại người ta gọi là giò ngược, phải bỏ đi. Khi vót xong, giò được gỡ bông ra.Tiếp đó, người ta dùng hạt giành giành bóc vỏ, lấy hạt giã thành bột rồi nấu sôi lên để nhuộm để hoa tre có màu vàng đẹp mắt. Hiện nay, các hộ gia đình thường dùng phẩm nhuộm thay vì dùng quả giành giành tuy tiết kiệm thời gian nhưng giò nhuộm lên màu khác với giò truyền thống. Vì thế, tính chất vật phẩm cũng khác đi. Sau khi nhuộm, phơi khô, chiều mồng 5 tháng Giêng dân làng bắt đầu công việc kết thành giò hoa tre. Người ta lấy một thân chuối tươi xanh cao khoảng 1.8m để làm trụ rồi cắm các cành hoa tre lên đó, đỉnh cây chuối được cắm một giò cái to nhất và rực rỡ nhất. Khi công việc hoàn thành, giò hoa tre trông như một bó lúa to vàng rực rỡ, công việc này phải hoàn thành vào chiều tối mồng 5 để kịp cho ngày hôm sau rước lễ vào đền. Trước kia theo lệ làng mỗi giáp phải góp 50 cành hoa tre.

Việc đan voi của thôn Dược Thượng được tiến hành từ khoảng mồng 10 tháng Chạp. Có khoảng hơn 10 cụ tham gia phục vụ việc đan voi, đây đều phải là các cụ biết nghề đan nhưng chỉ có 1-2 cụ là người đan chính. Hiện nay, cụ Đáp và Cụ Dần (đều ngoài 70 tuổi) là những bậc cao niên có kinh nghiệm trong việc đan voi của thôn Dược Thượng và cũng là người đan chính. Việc đan voi được tiến hành tại sân đình làng Dược Thượng, trước khi đan các cụ phải làm lễ xin phép thành hoàng làng. Tre đan được tuyển chọn kỹ càng từ trước đó, tre chủ yếu được quyên góp từ các hộ trong địa phương, năm nào hiếm thì các cụ phải đi mua. Khi làm lễ xong, các cụ bắt đầu công việc đan voi [Ảnh 3]. Toàn bộ con voi được tạo khung từ tre, khi làm khung xong các cụ phải dán giấy bên ngoài voi, hồ dán giấy được quấy bằng bột gạo nếp trưng. Giấy dán có thể là báo, bao xi măng nhưng phải dán nhiều lớp, lớp ngoài được sơn đen và tô vẽ thêm các đường nét để con voi hoàn thành trông thật sinh động. Voi đan xong có kích thước tương đương với con voi thật nhưng voi không được có ngà vì theo truyền thuyết dân làng Dược Thượng đánh chết voi trận của Thánh để làm thịt nhưng đôi ngà thì bị người dân Đức Hậu lấy mất nên họ chỉ đền voi còn Đức Hậu phải làm ngà voi rước đền. Công việc đan voi phải hoàn thành trước 30 Tết để mọi người vui vẻ ăn Tết. Chiều mồng 5 tháng Giêng cả làng tập trung tại đình xem tổng duyệt và tham gia lễ tế tại đình, đến sáng hôm sau làng sẽ đi bộ rước voi lên đền làm lễ.

Việc chuẩn bị lễ trầu cau của thôn Đan Tảo được tiến hành muộn hơn so với các thôn khác, trước ngày lễ khoảng một hai hôm. Theo các cụ bô lão trong làng kể lại, ngày xưa khi ông Gióng đánh giặc về tổng Đan Tảo mới cho quân sĩ nghỉ ngơi ở rừng Cơm. Làng Đan giếng xanh, chè ngon, nước mát, người dân có tục ăn trầu, nhân dịp này để đền đáp công ơn đánh giặc cứu nước của quân Thánh dân làng mới mang nước, mang trầu ra mời. Từ đó, lễ hội hàng năm thôn này đều có trầu cau làm lễ vật tiến Thánh.

Cây trầu làm lễ phải là cây trầu xanh tốt được chọn từ một gia đình cơ bản, sống hòa thuận, không có tang, các thành viên khỏe mạnh, các thế hệ sum vầy. Đi cùng với trầu không là một buồng cau đẹp. Chiều mồng 5 Tết cây trầu được đan lên giàn tại sân đình, sau đó làm lễ tế tại đình sẵn sàng cho việc rước lễ vào hôm sau. Những người trực tiếp rước lễ đều phải là nam thanh nữ tú, trai chưa vợ, gái chưa chồng được tuyển chọn kỹ càng trước đó.

Theo tục lệ, thôn Đức Hậu phải rước ngà voi lên đền. Công việc chuẩn bị được tiến hành chu đáo từ đầu tháng Chạp. Để làm được ngà voi, các cụ phải đến làng Đan mua gỗ, phơi khô rồi mới đẽo, gỗ làm ngà phải là gỗ mỏ mới có màu trắng đẹp, khi đẽo xong trông giống đôi ngà voi thật. Công việc đẽo ngà được giao cho một thợ mộc uy tín, công xá cho người làm và tiền mua gỗ đều do BTC lễ hội chi (trước kia người đẽo chỉ lấy một chút lễ mọn nhưng hiện nay thường tính thành công). BTC lễ rước ngà voi thường do Phó chủ tịch xã làm trưởng ban, phó ban là cán bộ văn hóa, hội người cao tuổi là ủy viên, chịu trách nhiệm sắp xếp tổ chức có 2 thôn là Đức Hậu và thôn Thượng. Việc đẽo ngà voi phải được hoàn tất trước 30 Tết để chiều hôm đó làng làm lễ tại đình, đôi ngà được để đó đến chiều mồng 5 Tết thì rước sang đình hàng Tổng (Tổng trưởng) tức thôn Thượng làm lễ, sẵn sàng cho lễ rước vào sáng hôm sau. Các cụ làng Thượng chịu trách nhiệm đọc văn tế khi lễ ngà voi tiến vào đền.

Việc chuẩn bị lễ rước cỏ voi của thôn Yên Sào – xã Xuân Giang cũng khá đơn giản. Cỏ voi được làm từ 4 cây chuối, mỗi cây cao khoảng hơn 1m. Thông thường phải mồng 4, mồng 5 Tết dân làng mới chuẩn bị lễ để các cây chuối giữ được vẻ tươi xanh khi dâng lên Thánh. Và trước khi rước lên đền Sóc, lễ phẩm cũng được làm lễ ở đình làng rồi trình ở đền Bạch Đa.

Có lẽ, một trong những lễ rước độc đáo nhất ở hội đền Sóc là lễ rước tướng của thôn Yên Tàng – xã Bắc Phú. Theo truyền thống vào lễ hội chính hàng năm, thôn này phải nộp tướng lên đền. Tướng là một cô gái, độ tuổi từ 9 đến 13. Công tác chuẩn bị được thôn tiến hành từ đầu tháng Chạp. Thôn sẽ chọn ra một tướng nữ có gia đình trong sạch, nội ngoại đầy đủ, tài sắc vẹn toàn. Khi chọn được tướng rồi, thôn thông báo đến gia đình để họ chuẩn bị. Việc trang điểm cho tướng do gia đình và các cụ đảm nhiệm, tướng nữ được mặc quần áo đỏ truyền thống, khi làm lễ xong tướng trả lại quần áo để các cụ cất giữ ở đình cho tướng năm sau mặc. Nhân lực rước và bảo vệ tướng có khoảng 20 người do gia đình và địa phương hỗ trợ tuyển chọn. Để đảm bảo an toàn cho tướng, những người bảo vệ hầu hết là người thân cận nhất với tướng, đoàn lễ đi theo khoảng 50 người. Trước khi rước lên đền, tướng được đưa ra đình để cùng các cụ làm lễ.

Hội rước cầu húc của thôn Xuân Dục được BTC bổ sung vào lễ hội đền Sóc từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước. Theo truyền thống, thôn Xuân Dục tổ chức hội húc cầu vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm tại văn chỉ hội húc của làng. Năm 1994, lễ hội này đã được biểu diễn tại hội chợ Giảng Võ và được BTC hội đề nghị tham gia vào hội Gióng. Từ TK17, thôn có 5 quả cầu được làm bằng gỗ thông sơn đỏ, có đường kính khoảng 40 – 50cm, rất nặng. Hiện nay, hai trong số 5 quả đã bị hỏng, ba quả kia được cất giữ dưới ao chỉ khi nào có hội mới mang lên để hai bên thi đấu.

Khi tham gia vào hội Gióng, dân làng chỉ rước quả cầu gỗ lên đền khi BTC đề nghị biểu diễn thi húc cầu. Còn nếu không, dân làng chỉ rước quả cầu tượng trưng vì cầu thật rất nặng. Quả cầu tượng trưng được đan bằng tre, láng xi măng bên ngoài rồi sơn đỏ, cầu được đặt lên kiệu rước lên đền. Ngoài ra, thôn có lễ phẩm bánh dầy, hoa quả kèm theo.

Có thể thấy, dân làng các thôn xã và BTC lễ hội đã chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng tham ra một lễ hội hoành tráng, tái hiện sinh động huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương để người tham dự hội được sống lại trong không gia văn hóa, không gian huyền thoại với những vết tích không thể phai mờ.

* Diễn trình lễ hội

Lễ hội đền Gióng đã tồn tại hàng ngàn năm gắn liền với đời sống tâm linh của người dân huyện Sóc Sơn. Sau năm 1945, do điều kiện chiến tranh và các điều kiện khách quan khác mà lễ hội đền Sóc bị thu hẹp lại, thậm chí có năm lễ hội chỉ là của thôn Vệ Linh với tục tiến giò hoa tre là chính.

Từ những năm chín mươi của thế kỷ XX và gần đây lễ hội mới dần được khôi phục lại gần với truyền thống hơn, phần hội được tổ chức phong phú hơn.

Trên lăng bia đá 8 mặt còn lưu giữ tại đền Sóc có những thông tin ghi chép về lễ hội truyền thống. Bia đá ghi tên các tổng, các thôn làng trực tiếp tham gia rước lễ lên đền và các làng thờ vọng, cung cấp thông tin về các đền thờ Thánh Gióng khác trong huyện ngoài đền Sóc, bia đá ghi “ Hàng năm vào ngày 7 tháng Giêng có hội lớn, các tổng xã Tiên Dược, Phù Lỗ, Hương Đình, Phổ Lộng, Xuân Lai, Xuân Bảng, Thượng Giã dâng lễ ở đền Sóc Sơn, sau đó tổng Yên Tàng dâng thưởng, thôn Vệ Sơn dâng quân thuyền, thôn Dược Thượng dâng voi, thôn Đức Hậu dâng ngà voi, thôn Yên Sào dâng cỏ cho voi ăn, thôn Đan Tảo dâng trầu, thôn Xuân Bảng dâng cây, Tiên Dược cùng với Hương Đình, Xuân Bách, Đông Lai, Xuân Dục, Đông Xoài, Xuân Tàng, Yên Tàng, Phú Tàng dâng hoa trúc (tục gọi là dâng đò). Tổng Cổ Bái, tổng Kim Anh, tổng Giã Thượng, tổng Linh Bắc dâng lễ ở đền vọng Thanh Nhàn, Kim Anh dâng chướng, Cổ Bái dâng quân, Đa Thượng diễn trữ, hai xã Thanh Nhàn, Chi Đông dâng hoa trúc. Tổng Đông Đô dâng lễ ở đền thờ vọng Đông Đồ, tổng Cổ Bái dâng lễ ở đền thờ vọng Cẩm Bào, tổng Tửu Lễ dâng lễ ở đền vọng Tửu Lễ.

Ngày 11/2 tổng Tiên Dược, Xuân Dục, Xá Đông, Đoài, xã Vệ Sơn, xã Xuân Bảng đến đền đón rước nhập tịch về đền Phù Mã làm hội diễn đến 15 ngày sau mới tan tiệc. Ngày lễ lại tổng Phù Lỗ, Phù Xá, Xuân Nội đến đền rước về nhập tịch ở đền thờ vọng Phù Lỗ đến 20 ngày mới tan cuộc.” Như vậy, theo thông tin trong bia đá thì có rất nhiều thôn xã trong huyện tham gia vào hội đền và chúng ta chưa thể phục hồi được hết các nghi thức lễ rước của hội như: lễ rước quân thuyền của thôn Vệ Sơn Đông, lễ dâng cây của thôn Xuân Bảng, lễ dâng hoa trúc của một số thôn...

Và ngoài chính hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng trong năm ở đền còn diễn ra nhiều ngày lễ khác nữa:

- Lễ ngày mồng 2 tháng giêng.

- Lễ tế vào mùa xuân tháng 2 thì quan tế một đền, dân tế một đền.

- Lễ ngày mồng 4 tháng 3.

- Lễ ngày mồng 9 tháng 3.

- Lễ ngày mồng 10 tháng 6.

- Lễ ngày 20 tháng 7.

- Lễ ngày 17 tháng 8.

- Lễ ngày mồng 5 tháng 9.

- Lễ ngày 25 tháng 12.

- Lễ ngày 30 tháng 12.

Cũng theo thông tin được ghi chép trong lăng bia 8 mặt thì thôn Vệ Linh được sắc chỉ cho làm tạo lệ “Ngày tháng năm Chính Hòa thứ năm rồi chi cho xã Vệ Linh tạo lễ quân dân trong xã được tổng hạng cùng ruộng tế đền là năm mươi ba mẫu, đồng thời được miễn tô thuế sưu sai, tập dịch trong một năm và lượng thuế tiền trong một quý, cộng tất cả là bốn trăm ba quan tám mạch 20 văn, gạo bảy mươi tư bát rưỡi cúng trong ba ngôi đền: đền Thượng, đền Hạ Sóc Sơn và Phù Mã.” Chính vì thế, dân làng và các cụ Vệ Linh có vai trò rất lớn trong các hoạt động lễ hội. Để chuẩn bị cho hội, ngày 20 tháng Chạp các cụ đã vào đền cùng với nhân viên trong khu di tích làm lễ bao sái tượng thờ. Theo thứ tự các đoàn rước, cây giò hoa tre của thôn Vệ Linh phải được đi đầu gọi là “ hoa tre đầu nước”, rồi mới đến lễ rước của các làng khác.

Vào đêm ngày mồng 5, các quan viên và bô lão trong làng Vệ Linh tiến hành ghi lễ mộc dục ở đền Thượng. Nước làm lễ mộc dục được nấu từ những lá thơm hái trên núi xung quanh đền. Nồi nước thơm này được đặt trước bệ tượng. Chủ tế đốt một nắm hương to rồi nhúng nắm hương đang cháy này vào nồi nước thơm, sau đó vẩy nước để làm lễ mộc dục cho các pho tượng.

Khi chuông trống nổi lên ba hồi, chín tiếng lễ thỉnh Thánh bắt đầu. Chủ tế và phụ tế cùng đoàn người tới làm lễ đứng tấu trước ban hạ, sau đó chủ tế vẩy nước thơm từ hạ ban vào trong cung tượng thánh. Vừa vẩy nước thơm chủ tế vừa nhẩm khấn để thỉnh Thánh về chứng giám ngày hội. Tiếp đó, chủ tế và đoàn tế cầm hương chạy ba vòng từ trong đền ra ngoài sân, vừa chạy chủ tế vừa đọc lời khấn và tốp người hô hoán theo một số câu do chủ tế xướng; đoàn người chạy tất cả 3 vòng như vậy. Đêm đó các quan viên được cắt cử chầu hầu Thánh suốt đêm.

Sáng ngày mồng 6, đền Thượng nổi lên ba hồi trống khai hội. Mở đầu đoàn rước là thôn Vệ Linh với lễ “ hoa tre đầu nước” [Ảnh 2]. Đây là lễ vật đặc trưng nhất của lễ hội đền Sóc. Theo truyền thuyết, khi ông Gióng đánh giặc về đây, ngồi nghỉ trên núi, ông nhìn nắm tre ngà trong tay dùng để đánh giặc đã nát như bông, lấy quả giành giành nhuộm vào ông thấy lên màu vàng óng rất đẹp và gọi nó là “hoa tre”. Từ đó tới nay, cứ đến hội là dân làng Vệ Linh lại làm hoa tre dâng Thánh. Tất cả các loài hoa đều có sâu bọ, ong bướm chỉ riêng hoa tre nhà ngài là giản dị mà tinh khiết. Nếu quan sát, chúng ta có thể thấy cây giò hoa tre trông giống như một bó lúa to vàng rực rỡ, còn nếu tách riêng ra thì mỗi bông hoa tre trông lại giống như một bông lúa ngả vàng, đầu giò vót nhọn có thể thành vũ khí chiến đấu bảo vệ khi cần thiết. Vì thế, đi hội, cầm lộc giò hoa tre trên tay người ta như phấn khởi hơn khi nghĩ về một vụ mùa bội thu. Còn như GS Trần Quốc Vượng khi nhìn biểu tượng này ông cho rằng “Hội Gióng thực sự là một lễ hội phồn thực, hội mùa...dưới mắt nhìn của một nhà dân tộc học, như khi nhìn chiếc đũa bông cắm trên bát cơm đặt trên quan tài cúng người chết, GS Từ Chi và chúng tôi phát hiện thấy ngay rằng đó là biểu tượng của dương vật cũng như chiếc Nõ trong cặp đôi Nõ – Nường”. Ta cũng tìm thấy biểu tượng này trong một số truyền thuyết “ Từ lâu người ta hay thờ ông Đổng bằng bát cơm đĩa cà. Làng Gióng có tục trồng riêng một sào cà dành cho ông Đổng về hái, ở các ruộng khác người ta thường cắm cạnh mỗi cây cà một “que bông” tức là que tre dài, ở một đầu có vót thành xơ xoắn xuýt dính vào thân que như hoa cà, ngụ ý để dành cho ông Đổng kẻo ông chảy cà, gây thiệt hại tới mùa cà.”

Và dù được hiểu theo nghĩa nào thì “hoa tre” vẫn là một biểu tượng văn hóa đẹp của lễ hội đền Gióng . Khi cây giò rước đến đền Thượng, chủ tế thôn Vệ Linh làm lễ và đọc tấu. Bài tấu tỏ lòng tôn kính của dân làng đối với đức Thánh và cầu người phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân an vật thịnh...Sau khi làm lễ tại đền Thượng xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình; khi tất lễ, chủ tế hô “ lễ tất tranh lộc”, ngay lập tức mọi người có mặt đồng loạt xông vào tranh cướp, giành giật dù chỉ là một phần của cành hoa tre [ Ảnh 11] . Họ cho rằng đó là lộc Thánh, nếu ai cướp được thì sẽ gặp may mắn cả năm. Nhiều người mang hoa tre về nhà cắm trên bàn thờ đến 30 Tết năm sau mới đem xuống hóa.

Tiếp sau lễ rước giò hoa tre là lễ rước biểu tượng ngựa Gióng của thôn Phù Mã – xã Phù Linh [Ảnh 5]. Đây là lễ rước mới được đưa vào hội từ năm 1997 theo nguyện vọng của nhân dân địa phương chứ lễ hội truyền thống không hề có. Những năm đầu, ngựa được làm bằng sắt sơn đỏ trong tư thế chầu bay, nhưng một vài năm gần đây thôn Mã đan ngựa bằng tre để kết thúc hội sẽ hóa cùng voi của thôn Dược Thượng.

Đoàn rước voi của thôn Dược Thượng là đoàn rước hào khí nhất, sôi nổi nhất với sự tham gia của hàng trăm người và đoàn múa lân [Ảnh 4]. Từ 5 giờ sáng, đoàn rước đã đi bộ từ đình thôn lên đền, đoàn vừa đi vừa chạy vừa hô to và dâng cao biểu tượng voi chiến làm huyên náo cả một vùng, nhìn từ xa người ta có cảm giác con voi khổng lồ đang bay đi theo đoàn người. Các cụ bô lão làng Dược Thượng kể lại rằng khi ông Gióng đánh giặc về đây, do người quản tượng giữ voi không chắc để voi xổng ra phá hoại mùa màng của dân, bà con không biết là voi của Thánh nên đã đánh chết làm thịt. Vì vậy, dân làng phải chịu phạt dâng voi lên đền vào dịp lễ hội nhưng các ông cũng kể lại ngày xưa, lễ rước có phần khác bây giờ, bác Hòa trưởng thôn cho biết: “chúng tôi giết nhầm voi nhà ngài nên ban đêm phải rước chộm lên để đền, khi rước phải vừa đi vừa chạy vô cùng gấp gáp, rước thật nhanh lên đền, làm lễ hóa voi rồi âm thầm ra về chứ không được rước như bây giờ”. Hiện nay, voi rước lên đền Thượng làm lễ, sau khi chủ tế tấu xong voi về phục ở đền Trình, sáng mồng 8 làm lễ hóa voi kết thúc hội. Trong thời gian này, các cụ làng Dược Thượng phải ở lại làm lều trông và thắp hương cho voi.

Sau lễ rước voi là các lễ rước trầu cau, ngà voi, cỏ voi của các thôn Đan Tảo, Đức Hậu và Yên Sào [ Ảnh 6,7,8]. Các thôn lần lượt dâng lễ vào đền, sau khi chủ tế các thôn đọc tấu, lễ trầu cau và lễ cỏ voi được rước xuống đền Mẫu. Tại đây, khi lễ xong, người ta tranh nhau vào cướp lộc trầu cau. Có điều khác là xưa kia hai thôn Yên Sào và Đan Tảo đều rước lễ bằng sọt tre đan chứ không phải bằng kiệu như bây giờ. Lễ vật được sắp vào sọt tre rồi khiêng lên đền tế lễ, các đoàn đều rước chạy từ tờ mờ sáng có tù và và cờ trận đi theo, gặp ai mà không tránh đường sẽ bị đánh. Đoàn nào lên trước thì vào đền làm lễ trước không theo thứ tự như bây giờ. Hiện nay, cả ba thôn này đều cho đoàn rước được đi xe (chủ yếu là ô tô), khi đến bãi tập kết mới xuống rước bộ vào đền.

Một trong những đoàn rước được mong đợi nhất là rước tướng của thôn Yên Tàng – xã Bắc Phú [Ảnh 9]. Người ta hồi hộp, mong ngóng được xem tướng năm nay ra sao. Nghi lễ chém tướng trong hội Gióng chưa được phục hồi hoàn toàn, qua tìm hiểu một số tài liệu, tôi xin được ghi lại tục này như sau: “ khi đoàn rước vào cổng tam quan, toàn bộ đội cờ chạy ào lên núi dàn thành hàng trên dốc dẫn đến đỉnh núi. Đội cờ lệnh và trống dẫn tướng lên núi Yên Ngựa. Tướng đi tới đâu cờ phất tới đó. Kiệu ghế tướng được khiêng theo tướng, khi tướng lên đỉnh núi, thu quân cờ lại, chia đôi đội giò lưỡi mác dàn thành một hàng xung quanh địa điểm chém tướng. Sau đó, những người chém tướng chém vào chân ghế. Có người cõng tướng chạy về hướng Nam, chém tướng thì đạp đổ ghế. Quân cờ, lưỡi mác một nửa đuổi theo tướng, một nửa dàn hàng ngang chạy xuống chân đồi phía Đông rồi chạy theo đoàn đuổi tướng. Tướng chạy khuất xuống núi phía Bắc đến đền Thượng thì kết thúc, thôn Yên Tàng nếu không bảo vệ được tướng để cho thôn khác cướp thì sẽ phải làm lễ chuộc tướng”. Đây là một nghi thức hết sức độc đáo của lễ hội đền Sóc, giống như một trận đánh từ xa xưa đã được thu nhỏ, kịch hóa. Chúng ta cũng dễ dàng liên tưởng tới 28 cô tướng nữ trong hội Gióng ở đền Phù Đổng, các cô tướng này cũng là những cô gái trẻ từ 9 – 13 tuổi được trang điểm kỹ càng và ngồi vắt vẻo trên kiệu, họ đóng vai là những tướng giặc tham chiến, bị thua chạy rồi phải đầu hàng, vào đền làm lễ. Nhưng ở đền Sóc, số lượng tướng còn lại chỉ là một mà thôi. Có thể, hai lễ hội này tuy cùng hướng tới một nhân vật anh hùng huyền thoại nhưng lại ở những thời điểm khác nhau. Hội Gióng ở Phù Đổng là một hội trận kỉ niệm một trận đánh mà có lẽ là rất lớn từ xa xưa, trận đánh này có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của quân ta trong cuộc chiến chống lại giặc Ân còn hội Gióng ở Sóc Sơn để kỉ niệm sự kiện ông Gióng bay về trời khi đã giành thắng lợi hoàn toàn kết thúc cuộc chiến. Phải chăng đây là những vết tích của trận truy quét cuối cùng để đuổi sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi nước ta? Hiện nay, khi kiệu tướng rước đến sân rồng đền Thượng, chủ tế đọc tấu xong, tướng nữ bước từ trên kiệu xuống vào đền làm lễ, theo tướng là quân bảo vệ, đội quân này sẽ cõng tướng chạy ra sau đền bằng đường cửa nghách, tướng nữ thay quần áo ra là kết thúc lễ.

Từ năm 1994, lễ hội đền Sóc được bổ sung thêm lễ rước cầu húc của thôn Xuân Dục – xã Tân Minh [ Ảnh 10]. Đây vốn là một lễ hội của địa phương, được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng hàng năm. Thôn chia làm hai đội trong làng và ngoài trại, mỗi đội có từ 5 – 7 người, hai đội sẽ thi húc cầu bằng vai dưới ruộng bùn đất, đội nào húc được cầu vào lồ của đối phương thì đội đó dành chiến thắng. Theo các cụ, nếu lồ phía Bắc (ngoài trại) mà thua thì năm đó được mùa, còn nếu lồ phía Nam (trong làng) thua thì năm đó cả làng bị mất mùa. Vì thế, từ xưa tới nay dân nơi đây vẫn có câu:

“ Tết đến xuân về làng mở hội,

Già trẻ, gái trai vui đón xem.

Chờ tin thua được nơi cầu húc,

Dự báo thiên văn với mùa màng.”

Nhưng theo các cụ thì người dân nơi đây tổ chức hội chủ yếu cầu đinh, cầu hòa là chính chứ không ham thắng thua.

Bên cạnh những lễ rước đã được khôi phục thì còn một số lễ đến nay vẫn chưa thể phục hồi , một trong những lễ rước độc đáo được tài liệu ghi chép lại là lễ rước quân thuyền của thôn Vệ Sơn Đông – xã Tân Minh “thôn dâng quân thuyền rước trải là 20 hình nhân được cắt thành hai hàng trên một kiệu tre hình thuyền đầu rồng, đuôi cá, rước vào đền làm lễ. Khi lễ xong thì hóa thuyền và đồng thời khai mạc trò chơi đua thuyền”, nếu không được nhanh chóng phục hồi và quan tâm, lễ rước này có nguy cơ bị biết mất hoàn toàn khỏi hội Gióng. Ngoài ra, còn một số lễ dâng hoa trúc của các thôn và lễ dâng cây của thôn Xuân Bảng cũng không có tài liệu ghi chép rõ ràng để khôi phục.

Sau phần tế lễ của các thôn làng là đến lượt du khách thập phương vào đền làm lễ.

Ngoài phần hội rước thì du khách và nhân dân còn được tham dự nhiều trò chơi truyền thống được tổ chức trong dịp hội như: đánh đu, đập niêu, bắt vịt, hát quan họ...

Đến sáng ngày mồng 8, các quan viên bô lão làm lễ trong đền và nghi thức hóa voi, hóa mã diễn ra ở bờ hồ đền Sóc được coi như nghi lễ kết thúc hội [Ảnh 12] .

Hội Gióng ở đền Sóc đã có từ hàng ngàn năm song hành cùng lịch sử dân tộc, nó được lưu giữ và trao truyền bởi những người dân quanh vùng núi Sóc. Có lẽ, nơi đây vào buổi đầu dựng nước đã xảy ra một sự kiện lịch sử quan trọng có ảnh hưởng lớn lao tới vận mệnh dân tộc. Sự kiện ấy đã đi vào huyền thoại và để lại những dấu ấn còn in khắp trên mảnh đất nơi đây. Hội Gióng là một bản anh hùng ca không thể phai mờ để lại cho thế hệ sau những bài học vô giá về tinh thần đoàn kết, bất khuất trong chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lăng, bảo vệ bờ cõi.

Theo tư liệu để lại, huyện Sóc Sơn có ít nhất 5 ngôi đền thờ, 21 tổng gồm 172 xã thôn trực tiếp tham gia lễ hoặc thờ vọng ông Gióng, đây là những con số quá ấn tượng. Phải chăng việc thờ Thánh Gióng đã sớm trở thành tín ngưỡng của người dân nơi đây? Các tục rước đều là vết tích có nguồn gốc từ rất xa xưa. Trải qua những thăng trầm lịch sử, có cái bị mai một đi, có cái được bồi đắp thêm và được phủ lên những lớp ý nghĩa mới như sự tích hợp các yếu tố văn hóa của nhiều thế hệ người Việt, như GS Trần Quốc Vượng nói “ Lễ hội Gióng mang đầy tính triết lý. Giờ đây người anh hùng văn hóa huyền thoại đã chìm trong vô thức mà người anh hùng chống giặc luôn hiển hiện trong hữu thức. Giờ đây, nghi lễ nông nghiệp đã chìm trong vô thức mà lễ diễn xướng anh hùng ca dân gian thì luôn luôn là phần hữu thức của hội Gióng”.

Ngày nay, hội Gióng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị nhân loại để di sản ấy không bị bào mòn, bị mất đi thì chúng ta cần thiết phải có cơ chế bảo vệ và chiến lược phát triển hợp lý được xây dựng trên tinh thần tôn trọng di sản.

Trước tiên, muốn bảo tồn lễ hội thì cần bảo vệ cơ sở vật chất cho sự tồn tại của lễ hội mà ở đây là khu di tích đền Sóc. Giữ gìn di sản vật thể này là giữ gìn không gian văn hóa của lễ hội và cần thiết phải mở rộng không gian này để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng phát triển của lễ hội. Hiện nay, các khu vực dịch vụ phục vụ trong dịp lễ hội còn rất yếu kém và không đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách đến với đền Sóc trong dịp lễ hội, như: khu gửi xe, khu vệ sinh, khu nghỉ ngơi, giải trí...Vì vậy mà chất lượng phục vụ du khách ở đây chưa được nâng cao.

Công tác nghiên cứu và sưu tầm tài liệu liên quan đến hội Gióng cũng cần được đặc biệt chú trọng. Chúng ta phải thừa nhận rằng rất nhiều mảnh ghép của lịch sử đã bị rơi vãi và rất khó để có được một bức tranh hoàn chỉnh về hội Gióng ở Sóc Sơn. Hiện nay, do sự thay đổi quá nhanh của xã hội nhiều nghi thức trong lễ hội có nguy cơ bị phai mờ, hình thức hóa, nhiều thôn làng bỏ tục lễ vọng. Vì thế rất cần thiết phải có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên nghành, các nhà nghiên cứu, khoa học để khôi phục lại đầy đủ lễ hội truyền thống, làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài.

Đẩy mạnh việc giáo dục các thế hệ trẻ, những người trực tiếp tham ra vào lễ hội đền Sóc để họ có ý thức tiếp nhận, trân trọng và ý thức lưu giữ, trao truyền di sản.

Rất nhiều du khách tham dự hội Gióng hàng năm đều phàn nàn rằng bên cạnh các lễ rước rất độc đáo và hoành tráng của lễ hội thì phần hội còn quá nghèo nàn và không hấp dẫn. Người ta đến với hội không chỉ để thực hiện các nghi lễ tâm linh mà còn để vui chơi, giải trí. Vì vậy, BTC lễ hội cần làm phong phú phần hội bằng việc tổ chức nhiều trò chơi dân gian, mở rộng không gian cho các trò chơi truyền thống, biến đây thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với lễ hội khi mà con người đang bị bão hòa bởi những trò chơi hiện đại.

Công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội với du khách thập phương bằng mọi hình thức không thể bị coi nhẹ. Đây chính là nhịp cầu dẫn dắt mọi người đến với lễ hội. Cần tận dụng mọi hình thức quảng bá, thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí, cuộc thi, tổ chức sự kiện...

Nếu làm được như vậy nhất định hội Gióng ở đền Sóc nói riêng và hội Gióng nói chung sẽ trở thành một viên ngọc quý trong kho tàng các di sản văn hóa của dân tộc.

Oanh Đỗ

Lễ hội Gióng đền Sóc: Vinh danh, quảng bá văn hóa truyền thống

Thứ Ba 07:27 24/02/2015
 
(HNM) - Hôm nay 24-2, mùng 6 tháng Giêng, Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) chính thức khai mạc, gắn liền với hai hoạt động quan trọng: Đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc và đón nhận Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng đạt kỷ lục Việt Nam.

Lễ hội Gióng tại đền Sóc. Ảnh: Hoàng Minh
Lễ hội Gióng tại đền Sóc. Ảnh: Hoàng Minh


Là một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hằng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng.

Lễ hội đền Sóc năm nay được UBND huyện Sóc Sơn tổ chức trong niềm hân hoan, khi quần thể khu di tích đền Sóc vinh dự là một trong 14 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 5 (Quyết định số 2408/QĐ-CP ngày 31-12-2014). Cùng với lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, BTC sẽ thực hiện nghi thức đón Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng lớn nhất Việt Nam". Hai sự kiện này được tổ chức gắn liền với hoạt động lễ hội truyền thống, vừa vinh danh giá trị di tích, vừa mang ý nghĩa giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo của khu di tích, những tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn với du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu của BTC là thông qua các hoạt động giàu ý nghĩa này để tôn vinh các giá trị văn hóa giàu truyền thống và "khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước" - như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Mạnh khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội.

Để có thể thực hiện mục tiêu ấy, điều quan trọng là khâu tổ chức phải được chuẩn bị thật chu đáo, bảo đảm an toàn, vui, lành mạnh và tiết kiệm - đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015.

Từ trước Tết Nguyên đán, UBND huyện Sóc Sơn đã thống nhất phương án, kế hoạch tổ chức lễ hội. Bên cạnh các hoạt động chuẩn bị lễ phẩm, lễ vật phục vụ nghi lễ rước (rước giò hoa tre, rước voi, rước trầu cau, rước ngà voi…); đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia lễ rước thực hiện nghiêm túc các quy định của BTC.

Quần thể khu di tích đền Sóc thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội), bao gồm 6 công trình: Đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), Tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… Theo kế hoạch, phần lễ của hội đền Sóc sẽ được mở đầu bằng lễ dâng hương, sau đó là lễ rước truyền thống của 8 đoàn rước thuộc các thôn, xã lân cận khu vực đền Sóc. Ở phần hội, sẽ tổ chức hát quan họ tại hồ trước đền Mẫu, nhà Bát Giác từ mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng. Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian như chơi đu, đập niêu, bắt vịt…, giải bóng chuyền, biểu diễn võ thuật… được Trung tâm TDTT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong dịp lễ hội này.

Theo BTC, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền Sóc 2015 đã hoàn tất từ trước Tết Nguyên đán. Tuy vậy, Lễ hội đền Sóc có diễn ra an toàn, trật tự, văn minh hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động nhập cuộc của nhà quản lý và quan trọng hơn cả là ý thức của mỗi người dân khi tham dự lễ hội.

Văn hóa lịch sử

1. Lịch sử

Huyện Sóc Sơn được thành lập trên cơ sở sát nhập hai huyện Đa Phúc và Kim Anh thuộc tỉnh Vĩnh Phú (nay đã tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và  Phú Thọ) cùng với thị trấn Xuân Hòa thuộc tỉnh theo Quyết định số 178/QĐ ngày 5/7/1977 của Hội đồng Chính phủ Việt Nam. Khi ấy huyện Sóc Sơn vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 29/12/1978, huyện Sóc Sơn được chuyển về Hà Nội.

2. Văn hóa - Di tích danh thắng

Sóc Sơn có 2 di tích nổi tiếng là: Đền Sóc và Chùa Non nước

Đền Sóc Sơn: đền thờ Thánh Gióng một vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân sang xâm lược nước Văn Lang vào đời vua Hùng Vương thứ sáu. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược, ông đã phi ngựa đến chân núi Sóc Sơn, ghìm cương, cởi giáp và nón treo lên một cành cây, rồi quay chào bốn phía quê hương. Cả người lẫn ngựa từ từ bay thẳng lên trời, từ bấy đến giờ không còn thấy trở về dân gian. Từ đó, hàng năm, người dân tổ chức hội đền Sóc Sơn vào ngày mồng 6 tháng giêng Âm lịch. Người xưa có câu thơ về đền Sóc và Thánh Gióng:

Sóc Sơn là ngọn núi nào
Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh.


Chùa Non Nước: Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) nằm trong quần thể khu di tích Ðền Sóc ở độ cao hơn 110 m so với chân núi. Chùa nằm chính giữa dãy nũi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú của xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Dưới sự trụ trì của Thượng tọa, Tiến sỹ Phật học Thích Thanh Quyết.

Theo Thuyền Uyển Tập Anh và Ðại Việt Sử ký toàn thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa này tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, được vua Ðinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Ðó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư. Lịch sử ghi nhận, vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi chấn hưng đất nước. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Thăng Long mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Ðinh - Lê - Lý).

Chùa Non Nước là một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối nặng 30 tấn, cao 6,50 m, nếu kể cả bệ đá, chiều cao hơn 8m được khởi công ngày 8/4 Tân Tỵ (2001) để đến 14/9 tới (tức mồng 8 tháng 8 năm Nhâm Ngọ) được rước từ cơ sở đúc đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh về Sóc Sơn, an tọa tại chùa Non Nước.

Điều kiện tự nhiên, xã hội Xem thêm

1. Điều kiện tự nhiên



Sóc Sơn là một trong 5 huyện ngoại thành Hà nội, ...

Văn bia hoành phi câu đối Xem thêm

Một số hình ảnh về hoành phi câu đối tại Đền Sóc

*Thông tin liên hệ:
* Đăng kí tham quan, làm lễ dâng hương:
Phòng du lịch:
032.777.5121 (Hotline)
03.88888.529 (Ms Chung)
0982.323.365 (Mr Đảng)

Video | Hình ảnh

Tổng số lượt ghé thăm

0854538
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tổng số lượt ghé thăm
1228
326
2710
849849
1554
8306
854538

QUẢNG CÁO

Logo DCG

DẤU CHÂN GIÓNG TRAVEL

CHUYÊN TOUR, COMBO, VÉ MÁY BAY, KHÁCH SẠN, HOMESTAY VILLA DU LỊCH

Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ team:

03.88888.529 (Ms Chung)

0982.323.365 (Mr Đảng)

0916.743.635 (Ms Ngọc)

0978.669.928 (Ms Biển)

Copyright TTQL Khu Du lịch – Di Tích Đền Sóc Sơn @2014