Khu Du Lịch Di Tích Đền Sóc Tự Hào Là Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt, Điểm Du Lịch Quốc Gia Đặc Biệt Của Thành Phố Hà Nội, Lễ Hội Gióng - Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Đại Diện Của Nhân Loại !

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Ngày 16/11/2010, tại thành phố Nairobi, thủ đô của Kenya, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO đã công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội Gióng - một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi tại Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công lẫy lừng của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam - tiêu diệt giặc Ân hung hãn, mở đầu trang sử vàng son chống ngoại xâm từ thời tiền sử đời vua Hùng Vương thứ VI.

Hội Gióng mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (tương truyền đây là nơi Thánh Gióng sinh ra) và Hội Gióng Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nơi Thánh Gióng bay về trời) là lễ hội có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam.

Từ những hương lễ, Hội Gióng đã trở thành hội vùng và có tầm cỡ quốc gia. Lễ hội độc đáo này được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc của mình, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới. Mặc dù trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng chính thống được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương“.

Mở đầu ngày chính hội là lễ rước cờ từ Đền Mẫu về Đền Thượng với sự tham gia của hàng trăm người, thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng. Đến đầu giờ Ngọ, phường Ải Lao diễn trò săn hổ trước Đền Thượng mang ý nghĩa thiêng liêng, sức mạnh đoàn kết có thể chiến thắng thú dữ. Trong khi đó, ở cuối làng Đổng Viên, trên bãi Đống Đàm cạnh hồ sen - tượng trưng cho trận địa địch, 28 nữ tướng địch đã dàn trận. Tiếp đó là hội trận tái hiện đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc với phường áo đỏ, áo đen với ông tiểu hổ dẫn đoàn ca vũ Ải Lao, ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu Cờ, đội quân phù giá tháp tùng xe Long Mã, rồi đến cuộc giao chiến với giặc được hình tượng hóa qua ba ván múa cờ hết sức độc đáo của ông hiệu Cờ. Ván cờ thứ ba kết thúc, nghĩa là quân ta đã thắng.

Sau trận đánh Đống Đàm là trận đánh ở Soi Bia. Tương truyền, sau khi giành thắng lợi, đại quân Thánh Gióng đang ăn mừng chiến thắng ở Đền Thượng thì nhận được hung tin quân địch phản kích, bao vây quân ta. Ngay lập tức, đội quân Thánh Gióng xung trận lần thứ hai. Trận địa ở Soi Bia được bố trí tương tự ở Đống Đàm, chỉ khác là cờ được phất từ trái sang phải, ngược chiều với trận đánh thứ nhất. Ván thứ ba kết thúc thì tiếng trống, chiêng nổi ba hồi vang rền, báo tin quân ta thắng trận hoàn toàn. 28 tướng giặc phải rời kiệu, quỳ gối chắp tay xin hàng. Lúc này, ông thủ từ bên phía đại quân đến trước hai nữ tướng chỉ huy, tước kiếm, lột mũ áo và múa kiếm xung quanh hai người này, tượng trưng cho sự hành quyết. Các nữ tướng còn lại được tha bổng.

Hội Gióng ở làng Phù Đổng là hội trận mà không có gươm đao, tất cả được tái hiện bằng biểu tượng. Đó là hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng; đồng thời thể hiện sự nhân nghĩa, khoan hồng của quân và dân ta từ ngàn đời nay.

Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong ba ngày (từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…

Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).

Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh Gióng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: "Hội Gióng Sóc Sơn vẫn mang rõ tính chất hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ".

Núi Sóc nằm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, là nơi Gióng ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất nước lần cuối rồi cởi áo bỏ lại và cưỡi ngựa về trời. Tại khu vực này có một quần thể di tích gồm đền Thượng, chùa Đại Bi, chùa Non Nước, đền Hạ, miếu Thánh Mẫu và nhà Bia.

Có thể khẳng định, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác, đây là một cuộc diễn xướng lịch sử có quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc ta, ghi lại sự tích chiến thắng giặc ngoại xâm của tổ tiên ta trong buổi bình minh của lịch sử. Hội Gióng được ví như một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng, chính vì thế Hội Gióng xứng đáng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Điều kiện tự nhiên, xã hội Xem thêm

1. Điều kiện tự nhiên



Sóc Sơn là một trong 5 huyện ngoại thành Hà nội, ...

Văn bia hoành phi câu đối Xem thêm

Một số hình ảnh về hoành phi câu đối tại Đền Sóc

Liên hệ

*Đăng kí tham quan, dâng hương:
Hotline: 032.777.5121
Ms Chung: 03.88888.529

Fanpage chính thức của Đền Sóc

logodensoc

Video | Hình ảnh

Liên Kết Web



Tổng số lượt ghé thăm

0910473
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tổng số lượt ghé thăm
42
446
798
905109
10243
14961
910473

Copyright TTQL Khu Du lịch – Di Tích Đền Sóc Sơn @2014